Thứ tư, ngày 17/08/2022
Vào những ngày lễ , tết, đồng bào Mường thường đồ xôi ngũ sắc với năm màu xanh – đỏ – tím – vàng – trắng, bày biện rất ngon mắt. Xôi năm màu bắt mắt, kích thích tò mò về khẩu vị. Màu sắc của xôi hoàn toàn được tạo nên từ thiên nhiên, cây cỏ. Màu trắng là màu nguyên của hạt gạo nếp nương, trắng ngà dẻo thơm. Sắc xanh của xôi được tạo từ màu xanh của lá gừng, lá riềng. Màu đỏ và màu tím được tạo từ lá của cây cơm đỏ, cơm tím rất sẵn có trong vườn nhà của đồng bào và màu vàng được tạo từ màu của bột nghệ nếp. Những lá cây này mang về được rửa sạch, giã nhỏ chắt lấy nước, rồi ngâm gạo qua một đêm cho thấm màu. Trong đĩa xôi ngũ sắc màu trắng sẽ đặt ở giữa tượng trưng cho bầu trời. Bốn màu sẽ đặt xung quanh tượng trưng cho bốn phương của trời đất, bốn mùa Xuân- Hạ - Thu – Đông nên các màu cũng sắp xếp thứ tự, rất có ý: Xanh – đỏ - vàng – tím (màu xanh - sắc mùa xuân, đỏ - hạ, vàng – thu, tím – đông). Người già còn bảo, sắp xếp như thế mới phù hợp với quan niệm sâu xa về ngũ hành tương sinh kiến tạo nên trời đất. Mỗi đĩa xôi ngũ sắc mời khách là cả tấm lòng mến khách chân thành chứa đựng biết bao giọt mồ hôi và công sức của chủ nhà, nó còn là những ước mơ về hạnh phúc, khát vọng ngàn đời no đủ, mong ước mưa thuận gió hòa để mùa màng tốt tươi.
Cuối cùng là gia vị chấm đặc trưng của dân tộc Mường. Món ăn ngon nhưng đạt đến mức đặc sản thì lại phụ thuộc và thành phần các gia vị ăn kèm cùng với muối chấm hoặc nước chấm được pha chế khéo léo phù hợp với từng món ăn, bao giờ cũng là thứ đặc trưng hương vị vùng miền. Người Mường Hòa Bình thường chấm các loại thức ăn được đồ (cách thủy) hoặc luộc bằng muối tinh rang khô rồi trộn với hạt dổi giã nát, cách chế biến phổ thông nhất là nướng hạt dổi nguyên hạt trong bát than hồng đề hạt dổi cháy vỏ, tiết ra chất tinh dầu, dậy mùi thơm lan tỏa, chờ hạt dổi nguội và giòn thì xay hoặc giã nhỏ mịn với muối rang khô, đóng vào lọ thủy tinh nắp kín, tránh để không khí lọt vào sẽ bị mất mùi, khi ăn thì lấy ra đủ dùng. Hoặc người ta chế biến ngay khi mâm cỗ được bày ra, đặt than đỏ vào bát sứ đựng muối và hạt dổi, đảo than tới khi muối khô trắng, dổi cháy vỏ, có mùi thơm thì gắp than ra, quạt sạch tro, còn hạt và muối, đem giã nát thành hỗn hợp chấm đặc biệt. Mùi hạt dổi rất thơm, ngai ngái thuốc bắc, hăng hăng cay, là lạ, người Mường bảo: người mới ăn lần đầu không quen, tưởng như rất khó hòa hợp, nhưng chỉ vài lần thưởng thức là thành nghiện cái hương vị độc đáo này. Không chỉ phổ biến với công dụng làm gia vị tẩm ướp thức ăn, làm muối chấm trong bàn cỗ lá, hạt dổi - loại hạt vốn được mệnh danh là "vàng đen" của người dân tộc các vùng Tây Bắc, còn được cho là vị thuốc có rất nhiều công dụng chữa tiêu hoá và đau xương cốt. Đặc biệt, hạt dổi cũng có thể ngâm rượu làm thuốc xoa bóp cho người bị bong gân, trật khớp. Khi ăn cỗ lá, muối hạt dổi được bố trí ở 4 góc mâm cỗ để tiện chấm các loại thịt luộc hoặc được đồ cách thủy cho thịt thơm và ngọt.
“Cỗ lá” là nét tinh túy trong ẩm thực của người Mường, nó chứa đựng ân tình của con người đối với đất, trời, rừng núi. Thưởng thức ”cỗ lá”, không phải chỉ để cảm nhận hương vị đặc biệt của các món ăn mà hơn hết đó là tình cảm mộc mạc, chân thành của người Mường. Trở thành nét độc đáo trong đời sống văn hóa – xã hội của người Mường, cỗ lá chính là cốt lõi, là “thương hiệu” đặc trưng, biểu hiện nét sinh hoạt trong văn hóa ẩm thực của đồng bào Mường Hòa Bình. Có được thưởng thức mâm cỗ Mường ngay tại bản Mường vào những dịp lễ, tết, du khách mới cảm nhận được hết ý nghĩa và vẻ đẹp dung dị của mâm cỗ lá trong đời sống văn hóa Mường…
Đ.T
27oC
Độ ẩm: 94%
Tốc độ gió: 8 km/hkm/h
Cập nhật lúc 02:00:00 ngày 2022-08-17